Lương Gross là gì? Cách tính lương Gross như thế nào

16 Tháng Tám 2023

Trong quá trình thỏa thuận tiền lương với người lao động, thì hiện nay đa số doanh nghiệp đều chọn trả lương gross. Vậy lương gross là gì? Cách tính lương goss như thế nào. Hãy cũng chúng tôi tìm hiểu thêm.

Lương gross là gì?

Gross trong tiếng Anh có nghĩa là tổng, hiểu đơn giản hơn là lương gross là tổng thu nhập mỗi tháng của người lao động, gồm cả lương cơ bản và các khoản trợ cấp, phụ cấp, hoa hồng… mà chưa trừ các khoản đóng bảo hiểm bắt buộc và nộp thuế thu nhập cá nhân (nếu có).

Và đây chưa phải mức lương thực tế mà người lao động được nhận về bởi hằng tháng, người này còn phải trích từ tiền lương để đóng bảo hiểm và thuế thu nhập cá nhân (TNCN). Theo đó, mức lương thực nhận sẽ thấp hơn lương gross.

Vậy lương Gross gồm những gì?

Lương gross bao gồm các khoản sau đây:

- Lương cơ bản

- Các khoản trợ cấp, phụ cấp

- Tiền thưởng

- Tiền hoa hồng,…

Tất nhiên, số tiền này chưa trừ tiền đóng các loại bảo hiểm bắt buộc (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp) và tiền thuế TNCN của mỗi người lao động.

Lương gross có bao gồm phụ cấp không?

Lương gross được định nghĩa là tổng thu nhập mỗi tháng của người lao động, gồm cả lương cơ bản và các khoản trợ cấp, phụ cấp, hoa hồng… mà chưa trừ các khoản đóng bảo hiểm bắt buộc và nộp thuế thu nhập cá nhân (nếu có).

Bên cạnh đó, lương gross mà doanh nghiệp trả cho người lao động đã bao gồm các khoản phụ cấp theo hợp đồng lao động và quy chế của công ty mà người đó đáng được hưởng.

Lương gross đóng bảo hiểm bao nhiêu?

Căn cứ Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017, mỗi tháng, người lao động đi làm sẽ phải trích một phần tiền lương để đóng vào quỹ BHXH, BHYT, BHTN với tổng số tiền bằng 10,5% tiền lương được ghi nhận trong hợp đồng lao động. Cụ thể:

- 8% đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.

Áp dụng với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên.

- 1,5% đóng vào quỹ BHYT.

Áp dụng với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 03 tháng trở lên.

- 1% còn lại được đóng vào quỹ BHTN.

Áp dụng với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 03 tháng trở lên.

Để dễ hiểu hơn, bạn đọc có thể tham khảo công thức tính sau:

Để dễ hiểu hơn, bạn đọc có thể tham khảo công thức tính sau:

Ví dụ: Chị B nhận lương gross = 10 triệu đồng/tháng. Hằng tháng, chị B phải trích đóng bảo hiểm bắt buộc với số tiền sau:

Tiền đóng bảo hiểm = 10,5% x 10 triệu đồng/tháng = 1,05 triệu đồng/tháng.

Vậy Lương gross tính thuế thu nhập cá nhân thế nào?

Theo khoản 2 Điều 3 Luật Thuế thu nhập cá nhân, tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công và các khoản phụ cấp, trợ cấp được tính là thu nhập chịu thuế TNCN của người lao động.

Tuy nhiên, không phải tất cả người lao động đều phải đóng thuế TNCN mà chỉ những người có thu nhập cao mới phải đóng thuế. Hiện nay công thức tính thuế được xác định như sau:

- Tiền thuế TNCN:

Thuế TNCN =(Tổng thu nhập - Các khoản được miễn - Khoản giảm trừ) x Thuế suất

Bao gồm: 

- Các khoản được miễn có thể kể đến như: Tiền bồi thường tai nạn lao động; phần tiền lương làm việc ban đêm, làm thêm giờ được trả cao hơn tiền lương làm việc ban ngày; tiền lương hưu;…

- Các khoản giảm trừ gồm:

+ Giảm trừ gia cảnh (đối với bản thân người lao động = 11 triệu đồng/tháng và đối với người phụ thuộc = 4,4 triệu đồng/tháng).

+ Các khoản đóng bảo hiểm, quỹ hưu trí tự nguyện, đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học.

Hướng dẫn tính lương thực nhận từ lương gross:

Nếu chọn nhận lương gross thì lương thực nhận của người lao động sẽ được tính theo công thức sau:

Lương thực nhận = Lương gross - Tiền đóng bảo hiểm bắt buộc - Thuế TNCN (nếu có)

Trong đó bao gồm:

- Tiền đóng bảo hiểm bắt buộc của người lao động = 10,5% tiền lương. Tỷ lệ cụ thể như sau:

+ Quỹ hưu trí và tử tuất (BHXH): 8%

+ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN): 1%

+ Quỹ bảo hiểm y tế (BHYT): 1.5%

- Tiền thuế TNCN: 

Thuế TNCN = (Tổng thu nhập - Các khoản được miễn - Khoản giảm trừ) x Thuế suất

Ví dụ:

Anh A thỏa thuận nhận lương gross là 25 triệu đồng/tháng. Mỗi tháng, lương gross của anh A sẽ bị trừ các khoản sau:

- Tiền đóng bảo hiểm bắt buộc = 10,5% x 25 triệu = 2,625 triệu đồng.

- Tiền thuế TNCN: 

Theo Điều 1 Nghị quyết 954/2020/UBTVQH14 và Điều 20 Luật Thuế thu nhập cá nhân, anh A được giảm trừ như sau:

- Giảm trừ gia cảnh đối với chính bản thân: 11 triệu đồng/tháng.

- Giảm trừ người phụ thuộc: 4,4 triệu đồng/tháng/người.

- Các khoản đóng bảo hiểm bắt buộc, quỹ hưu trí tự nguyện, đóng góp từ thiện.

Giả sử anh A có 01 người phụ thuộc, trong tháng anh A không đóng góp từ thiện, nhân đạo thì thuế TNCN của anh A được tạm tính như sau:

- Thu nhập tính thuế = 25 triệu đồng - 2,625 triệu đồng - 11 triệu đồng - 4,4 triệu đồng = 6,975 triệu đồng

Thuế TNCN của anh A được tính theo từng bậc như sau:

+ Bậc 1: Thu nhập tính thuế đến 05 triệu đồng, thuế suất 5%:

05 triệu đồng × 5% = 250.000 đồng

+ Bậc 2: Thu nhập tính thuế trên 05 - 10 triệu đồng, thuế suất 10%:

(6,975 triệu đồng - 05 triệu đồng) × 10% = 197.500 đồng

Tổng thuế TNCN = 250.000 + 197.500 = 447.500 đồng

Như vậy, lương thực nhận của anh A = 25 triệu đồng - 2,625 triệu đồng - 447.500 đồng = 21.927.500 đồng


Bài viết tham khảo thêm: 

>> Hướng dẫn tra cứu thông tin đóng BHXH tự nguyện, BHYT

>> Đề xuất quy định người đóng BHXH từ 2025 không được rút một lần

>> Hai thứ người lao động nhất định phải lấy khi nghỉ việc để nhận trợ cấp